Gạo ngon cho bữa cơm ngon!

0 - 180,000 đ        

Loạn thị trường bởi những sản phẩm "Gạo Thần"

Quảng cáo hay lừa bịp

Chuyện gạo lứt cho đến nay có khả năng chữa được bệnh ung thư hay không thì vẫn cần một nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của nó. Theo TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, dân gian cho rằng ăn gạo lứt có tác dụng chữa bệnh, có thể phòng chống ung thư. Trong gạo lứt có mầm cám, vỏ cám, chất béo không no, một vài chất có thể chống ung thư.

TS. Hàm cho hay, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả thực sự của gạo lứt, nhưng theo ông, kinh nghiệm dân gian cũng có phần nào đúng, và việc ăn gạo lứt có chống được ung thư hay không cũng tùy thuộc vào từng người. Tùy thể trạng của mỗi người khác nhau và tùy mỗi loại bệnh khác nhau để hấp thu các chất có trong vỏ cám. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, gạo lứt có một số vitamine tốt cho sức khỏe, nhưng để khẳng định chữa bệnh, nhất là bệnh ung thư thì vẫn cần phải tìm hiểu thêm.

Nhưng không thể phủ nhận được tác dụng của loại gạo này bởi đã có nhiều bệnh nhân ung thư dùng gạo lứt thay thế gạo thường và khoẻ mạnh hơn trước. Tuy nhiên, đối với sản phẩm gạo lứt, sự quảng cáo thái quá đến mức "tôn vinh" nó như một thức thuốc chữa bệnh. Nhiều cửa hàng song song với việc bán gạo lứt vẫn ghi chú cho người bệnh về việc nên điều trị thuốc tây theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngoài gạo lứt ra, còn có một số sản phẩm như gạo thực phẩm chức năng, gạo mầm, gạo thảo dược cũng được quảng cáo có tác dụng thần kỳ trong việc chữa ung thư, đồng tính, đái tháo đường, hiếm muộn, thanh lọc gan, chữa bệnh gout, giảm cân, thậm chí chữa khỏi bệnh HIV...

Không rõ khi làm ra những sản phẩm này, người nông dân có tìm hiểu về tác dụng của nó không để rồi đến tay người bán, những quảng cáo trên trời bỗng dưng nhảy vào làm mờ mắt người tiêu dùng. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với một người bán gạo mầm ở Thanh Xuân (Hà Nội), anh này cho biết: "Sản phẩm gạo mầm này của tôi ngoài tác dụng ngăn ngừa ung thư ra thì còn chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. Hơn nữa ăn gạo mầm nhiều có thể tăng sức đề kháng, tốt cho người có sức khoẻ yếu và nếu dùng đúng cách thì còn chống chọi được cả bệnh HIV nữa...". Tuy nhiên, khi được hỏi rằng đã có bằng chứng nào về việc khách hàng là người mắc HIV sau khi sử dụng gạo lứt có thể sống khỏe mạnh mà không cần dùng thuốc thì hầu hết những người bán hàng đều lắc đầu không biết.

 

Gạo lứt đỏ được giới thiệu chữa bách bệnh.

 

Một loại gạo mầm gần đây cũng gây sốt vì được người bán hàng "lăng xê" chữa bệnh gout, thanh lọc gan, tiểu đường, giảm cân, giảm cholresterol, đẹp da.

Lần theo một địa chỉ quảng cáo gạo lứt trên mạng, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán gạo lứt trong ngõ của phố Thái Thịnh thì chủ cửa hàng cho biết, gạo lứt mà cửa hàng này bán được đưa từ Thái Bình lên, được chế biến thành các sản phẩm như gạo lứt rang, trà gạo lứt, dấm gạo lứt… Người này còn quảng cáo đã có rất nhiều người đến cửa hàng mua gạo lứt và đã chữa khỏi nhiều bệnh.

Cùng với các loại "gạo thần" này, trên thị trường hiện giờ cũng có nhiều loại gạo khác được bán ra đánh vào tâm lý thích đồ sạch của người dân. Các loại gạo này thường được mang tiếng sạch nhưng cũng không có thông tin để chứng minh được điều đó. Việc khoẻ người ở đâu chưa thấy nhưng trước mắt, chính bởi có quá nhiều loại gạo được đưa ra như vậy mà khi đến tay người dân, giá đã bị đẩy lên nhiều so với giá trị thực tế.

"Bát nháo" thị trường gạo

Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại trên thị trường có hàng trăm thương hiệu gạo sạch: gạo Hoa sữa, gạo Hạt ngọc trời, gạo mầm Vibigaba, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, gạo huyết rồng, gạo Quế Lâm… Trong môi trường thực phẩm bát nháo như hiện nay, các loại gạo này đã và đang tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng khi đánh vào yếu tố sạch, chữa được nhiều bệnh.

 

Thị trường gạo hỗn độn bởi nhiều loại gạo khác nhau đẩy giá gạo lên cao.

 

Theo đó, các loại gạo sạch được đóng thành các túi nhỏ loại 1kg, 2kg, 5kg... trên bao bì có ghi rõ nguồn gốc, nơi trồng, trồng trong thời gian bao lâu cùng nhiều các chứng nhận về độ an toàn khi sử dụng. Giá các loại gạo siêu sạch dao động ở mức: 25.000 - 40.000 đồng/kg, gạo dược liệu 40.000 đồng - 70.000 đồng/kg.

Những loại gạo này rất được lòng các bà nội trợ đặc biệt là những người mắc bệnh. Họ sẵn sàng chi tiền cao để mua các loại gạo sạch chất lượng. Theo như anh Ba (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), một người thường xuyên dùng các loại "gạo sạch" cho biết gia đình anh thấy an tâm khi sử dụng các sản phẩm đóng túi có nguồn gốc rõ ràng hơn là các sản phẩm gạo trôi nổi trên thị trường mặc dù  giá lên tới 40.000 đồng/kg. Một số loại gạo mang tiếng gạo siêu sạch, gạo hữu cơ đang tạo ra một cơn sốt tiêu dùng trên thị trường và là lựa chọn thường xuyên của nhiều bà nội trợ Việt. Đây là một tín hiệu tốt khi người dân ngày càng tin dùng vào các thực phẩm sạch để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, cũng vì tâm lý ấy mà cho tới giờ, hàng trăm loại gạo được gắn mác gạo sạch, gạo hữu cơ để... tăng giá bán. Hầu hết các loại gạo này đều in nhãn mác đầy đủ với lời quảng cáo thơm ngon, an toàn nhưng không hề có một chứng nhận an toàn hữu cơ của một tổ chức uy tín nào cấp.

Nói về việc bùng nổ các loại gạo hữu cơ "tự nhận" trong thời gian gần đây chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho hay, gạo hữu cơ chuẩn là loại gạo được chứng nhận về mức độ an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Gạo được sản xuất theo quy trình hữu cơ tuyệt đối, không sử dụng hóa chất, không phân bón, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, gạo hữu cơ còn không sử dụng loại giống biến đổi gen, cỏ nhổ bằng tay, dụ côn trùng phải bẫy đèn, dinh dưỡng cho cây trồng phải được cung cấp bằng chế phẩm sinh học do một tổ chức quốc tế xác nhận… Ở Việt Nam chưa có quy chuẩn nào về gạo hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ở các thang quy chuẩn này thì gạo sản xuất ra chỉ được gọi là gạo sạch vì chúng vẫn được sử dụng thuốc hóa học, phân bón trong một giai đoạn nhất định.

 

Gạo lứt tốt cho sức khỏe nhưng chưa nghiên cứu nào chứng minh có tác dụng chữa bệnh như quảng cáo.

 

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có gạo hữu cơ H.S - là loại gạo duy nhất được công nhận, và sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh quốc tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và các tổ chức châu Âu chứng nhận còn các loại gạo hữu cơ khác bán trên thị trường thì chưa được công nhận. Gạo H.S đang được xuất khẩu rộng rãi sang các nước Châu Âu và Mỹ với giá xấp xỉ 260.000 nghìn đồng/kg, tại Việt Nam 70.000 đồng/kg nên chỉ phục vụ một số ít người tiêu dùng có điều kiện.

Theo kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm sử dụng gạo lứt của nhiều người thì ăn gạo lứt rất tốt cho cơ thể, nhưng hiện nay chưa khoa học nào chứng minh công dụng chữa bệnh thật của nó. Vì thế, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo của người bán hàng để mua phải những loại gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà phải chịu cái giá trên trời. 

Chia sẻ từ báo Cảnh sát toàn cầu Online - tác giả Ngọc Mai - Ngọc Minh

Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo cho rằng, bản chất, gạo lứt là loại không đánh bóng, có lớp vỏ cám bọc ngoài chứa một số vitamin tốt cho sức khỏe. Về màu gạo lứt, GS Xuân cho biết, đây cũng là "mẹo" để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Hiện, tại ngân hàng giống lúa của trường ĐH Cần Thơ có trên 3.000 loại với đủ các màu như đen, tím, đỏ…nên việc tạo màu cho gạo không khó. Về việc nhiều loại gạo được quảng cáo chữa ung thư, chống HIV, chữa đồng tính, ông Xuân không tin và cho rằng người tiêu dùng nên cẩn trọng với các thông tin này. Theo ông, gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho quá trình chữa bệnh. Hiện tại, Việt Nam chưa có một quy chuẩn nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược này nên để kiểm chứng không còn cách nào ngoài việc chính người tiêu dùng mua về dùng thử rồi tự mình đánh giá công dụng là chính xác nhất.

TIN TỨC KHÁC

Vui lòng đợi ...

Đặt mua sản phẩm

Xem nhanh sản phẩm